Mâm cỗ miền Bắc vẫn luôn cầu kỳ, chú trọng vào từng chi tiết. Dưới đây là cách làm mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc tinh tế và hấp dẫn, độc giả có thể tham khảo.
Mâm cỗ miền Bắc có rất nhiều món ăn. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ của người miền Bắc càng chú trọng tính cầu kỳ, đủ đầy các món ăn.
Mâm cỗ của người miền Bắc vào dịp Tết tối thiểu cần có 4 bát, 4 đĩa. Điều này tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 hướng. Với những gia đình có điều kiện và thời gian thì có thể làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa…
Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả.
Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần.
Thậm chí, nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.
Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà luộc, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Một số gia đình có thể bày thêm đĩa thịt đông, món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh ở miền Bắc.
Ngoài ra, các gia đình cũng có thể bày lên mâm cỗ đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán.
Món tráng miệng gồm có: Mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho... Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ làm cho mâm cỗ Tết dẫu rất đa dạng nhưng lại hài hòa, đẹp mắt.
Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều làm giản tiện, rất ít người nấu đủ mâm cỗ như xưa.
Tuỳ theo mỗi gia đình, chúng ta có thể chuẩn bị những món khác nhau. Tuy vậy, đối với mâm cỗ Tết của người miền Bắc không thể thiếu các món chính sau: bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào…
Mâm cỗ ngày Tết đầy đủ các món ăn trên tượng trưng cho sự đoàn viên, may mắn trong năm mới.